QUAN ĐIỂM VỀ CHẤT LƯỢNG IN (phần 4) – CHUẨN NỘI BỘ

(Vui lòng xem thêm 3 phần đã đăng trước đây)

Sau khi xem qua 3 phần trước, ắt hẳn sẽ có nhiều nhà in thấy rằng mình chưa có nhu cầu phải làm chuẩn chất lượng. Tuy nhiên suy nghĩ đó chủ yếu nghiêng về phía thấy khó khăn hơn là thấy lợi ích của chuẩn chất lượng. Trên thực tế khó khăn quả thật vẫn nhiều hơn lợi ích nhưng nó lại nằm ở khía cạnh văn hoá chứ không phải kinh tế – kỹ thuật. Chúng ta sẽ có một bài riêng bàn về chuyện này sau.

Nếu chưa cần hay chưa muốn thiết lập một chuẩn chất lượng quốc tế, nhà in Việt Nam vẫn có thể thay đổi cách tiếp cận qua 2 bước:
1. Thiết lập chuẩn nội bộ trên cơ sở những gì tốt nhất hiện có tại công ty.
2. Xác định khoảng cách giữa chuẩn nội bộ và một chuẩn kỳ vọng, sau đó xác định kế hoạch cụ thể cho tương lai.

Quy trình chuẩn hoá nội bộ được thực hiện qua các bước sau:
1. Đào tạo để có được đội ngũ nhân viên hiểu biết về tiêu chuẩn chất lượng in và biết cách thực hiện tại vị trí công tác của mình.
2. Chuẩn hoá vật tư: Kẽm, thuốc hiện, mực, giấy, hoá chất…và tất cả các nguyên vật liệu đang được sử dụng tại công ty.
3. Chuẩn hoá qui trình chế bản CTP, In và thành phẩm. Qui trình này được thực hiện qua 2 giai đoạn: (1) Đưa thiết bị về trạng thái hoạt động tốt nhất; (2) Tại từng công đoạn sản xuất đưa ra được tiêu chí kiểm tra chất lượng, xác định đúng thiết bị kiểm tra chất lượng, giá trị chuẩn và dung sai;
4. Xây dựng hệ thống báo cáo kiểm tra chất lượng và duy trì quá trình vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị đúng cách.
5. Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh để làm tốt hơn.

Tất nhiên quá trình này không đơn giản và sẽ được mô tả lần lượt trong các bài sau, ngoài ra cũng cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia giỏi và sự quyết tâm của cả công ty.

Doanh nghiệp sẽ có lợi gì khi thực hiện chuẩn nội bộ thành công? Rất nhiều, cụ thể là:
1. Tất cả các công đoạn sản xuất luôn ở trong điều kiện tốt nhất của nhà in.
2. Hạn chế tối đa sai hỏng do có qui trình và thiết bị kiểm tra tại từng công đoạn sản xuất.
3. Nhà in có thể biết trước kết quả in trong quá trình chế bản.
4. Sau khoảng 50 tờ in, Thợ in đã có được tờ in đạt chuẩn nội bộ, điều này có nghĩa là nếu khách hàng có điều chỉnh nữa thì cũng không có tác dụng hoặc muốn điều chỉnh nữa thì phải tiến hành ở công đoạn chế bản. Điều này giúp nhà in tiết kiệm rất nhiều thời gian và nguyên vật liệu.

Tóm lại, chuẩn nội bộ sẽ giúp nhà in GIAO TIẾP TỐT VỚI KHÁCH HÀNG, GIẢM THIỂU SAI HỎNG, TIÊT KIỆM THỜI GIAN CHUẨN BỊ IN VÀ TIẾT KIỆM NGUYÊN VẬT LIỆU

Nếu nhà in cần làm chuẩn quốc tế hay chuẩn nội bộ tại Việt Nam họ sẽ liên hệ với ai? ở đâu? Có 3 địa chỉ các nhà in cần tìm đến:

1. Công ty Joh Rieckermann, có VPDD ở TPHCM (331, Đường Nguyễn Thượng Hiền, Phường 11, Quận 10, TPHCM; Điện thoại: 3839 9899). Công ty Joh Rieckermann đại diện cho hãng Heidelberg và nhiều hãng nổi tiếng khác tại VN. Heidelberg được quyền tư vấn, thẩm tra và cấp chứng chỉ ISO 12647 theo uỷ quyền của FOGRA. Hiện nay các chuyên gia của Heidelberg sẽ thực hiện dịch vụ chủ yếu cho các nhà in mua thiết bị của hãng này.

2. Công ty Toàn Ấn tại TPHCM (Địa chỉ: 71 Đường số 1, phường 26, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh, Điện thoại: 8 3511 7658), công ty Toàn Ấn thông qua đối tác của họ tại Singapore thực hiện dịch vụ tư vấn, đào tạo, giám sát và cấp chứng chỉ ISO 12647 theo uỷ quyền của FOGRA. Tất cả các dịch vụ này sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia Singapore.

3. Công ty Huynh đệ Anh Khoa (Anh Khoa’s Brother) thông qua đối tác của công ty tại Đức và Hà Lan được quyền tư vấn, đào tạo, giám sát và cấp chứng chỉ PSO và ISO 12647 theo uỷ quyền của FOGRA. Hiện nay công ty Anh Khoa’s Brother không thực hiện dịch vụ này mà chỉ cử 2 chuyên gia của công ty (Ông Nguyễn Thái Dũng và Ông Ngô Anh Tuấn) làm công tác hỗ trợ kỹ thuật cho các Hội viên Hội in TPHCM. Trong năm 2016 công ty Huynh đệ Anh Khoa đã tự thực hiện chuẩn hoá chất lượng theo ISO 12647-2/7 và đã được FOGRA cấp chứng chỉ PSO.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang