Không nên bàn nhiều về khái niệm nghiên cứu vì nói nhiều quá chỉ là nói “nhảm” và chẳng mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp in. Một cách nôm na “Nghiên cứu đàng hoàng phải mang tính khoa học, tức là là hành động tìm hiểu dựa trên những số liệu, tài liệu thu thập được để phát hiện ra bản chất, quy luật chung của sự vật, hiện tượng, tìm ra những kiến thức mới hoặc tìm ra những ứng dụng kỹ thuật mới, những mô hình mới có ý nghĩa thực tiễn”.
Thẳng thắn mà nói, nghiên cứu trong ngành in (từ đây gọi tắt là R&D) nhằm tạo ra lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp in và sau đó là xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy các doanh nghiệp cần phải làm tốt R&D vì đó chính là điểm làm cho doanh nghiệp trở nên khác biệt với các lợi ích tạo ra cho chính mình và khách hàng.
Để tham gia và trụ vững trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, hàng năm công ty Huynh đệ Anh Khoa phải tham gia nhiều hội thảo quốc tế và phải chứng minh các nghiên cứu và sáng tạo của mình qua các sản phẩm cụ thể, trong đó có 2 hội thảo mà công ty phải dựa vào bộ phận R&D, đó là:
– Global Cost Innovation (GCI)
– Global Creative Conference (GCC)
Nếu không có nghiên cứu về tổ chức và quản trị quá trình sản xuất làm sao chúng ta có thể cạnh tranh được với Trung Quốc khi năng suất lao động của ta thấp hơn họ nhiều lần?
Nếu không có nghiên cứu về ứng dụng công nghệ và sáng tạo trên nền tảng các công nghệ mới thì làm sao chúng ta có thể sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và cắt giảm nhân lực trong các khâu sản xuất…?
Nếu không sáng tạo và đưa ra các sản phẩm sáng tạo với chi phí sản xuất thấp hơn (trong khi công năng và thiết kế tốt hơn) để chào hàng thì lấy hàng đâu mà làm?
Nếu không có nghiên cứu làm sao sáng tạo ra các sản phẩm mới để thu hút sức mua của khách hàng?
Và quan trọng hơn nữa, không có nghiên cứu thì đào tạo cái gì! Đào tạo mà không dựa trên thực tiễn, không dựa vào các nghiên cứu hiệu quả chỉ là nói nhảm và gây mất thời gian của doanh nghiệp! Chưa kể đến việc các nhân viên chán nản khi phải theo các lớp đào tạo nhảm nhí để lấy các chứng chỉ vớ vẩn?
Chúng ta hay coi thường nghiên cứu hoặc có nghĩ đến nhưng ít đầu tư cho nghiên cứu, đó là lí do mãi mãi chúng ta không bước ra sân chơi toàn cầu. NGHIÊN CỨU phải đi đôi với SÁNG TẠO, NGUỒN LỰC TÀI CHÁNH & VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP.
Chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta có tiền nhưng sẽ không có được nguồn nhân lực phù hợp làm công tác nghiên cứu, rồi sau đó có tiền + mong muốn + con người nhưng mãi không sáng tạo được vì chưa quen hay chưa có văn hoá nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Tất nhiên có nhiều ý kiến cho rằng Tôi đang sống khoẻ vậy rước nghiên cứu vào để làm gì cho mệt, câu trả lời luôn là cái gì cũng có giá của nó.
Mục đích của nghiên cứu là tìm ra CÁI MỚI HAY HO, CÁI HIỆU QUẢ ÁP DỤNG ĐƯỢC nhằm SÁNG TẠO RA CÁC GIẢI PHÁP CÓ LỢI cho công ty và khách hàng, TỪ ĐÓ ĐƯỢC CÔNG NHẬN & HÌNH THÀNH VĂN HOÁ NGHIÊN CỨU SÁNG TẠO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC LỢI ÍCH MONG MUỐN.
Các công thức hiện nay của công ty Huynh đệ Anh Khoa là:
NGHIÊN CỨU = NGUỒN LỰC (CON NGƯỜI + THIẾT BỊ + TÀI CHÁNH) + CÁC THÀNH TỰU ĐANG CÓ + ½ VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP
SÁNG TẠO = NGHIÊN CỨU + CHIẾN LƯỢC BÁN HÀNG + NĂNG LỰC HỘI NHẬP
LỢI ÍCH = SÁNG TẠO + CƠ HỘI ĐƯỢC THỪA NHẬN + HIỆU QUẢ SẢN XUẤT – KINH DOANH
Nếu các Bạn muốn nghe chúng tôi nói thêm về điều này hãy LIKE & SHARE để chúng tôi THÍCH & CHIA SẺ kinh nghiệm của chúng tôi.
(Xem tiếp bài sau ” NUÔI DƯỠNG SỰ SÁNG TẠO QUA SỰ ĐẦU TƯ + CÔNG TÁC ĐÀO TẠO + XÂY DỰNG NỀN TẢNG VĂN HOÁ”)