ĐỘ PHÂN GIẢI (KỲ 1)

Ngô Anh Tuấn
Khoa In và Truyền thông

Độ phân giải (Resolution) là một trong những khái niệm cơ bản trong lĩnh vực đồ hoạ, nó có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hình ảnh. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu thấu đáo về khái niệm cơ bản này. Một phần vì thuật ngữ độ phân giải được sử dụng ở rất nhiều thiết bị khác nhau như màn hình, máy in, máy quét, máy ảnh kỹ thuật số v.v…  và ở mỗi một thiết bị, độ phân giải lại có ý nghĩa khác nhau. Thêm vào đó, người ta sử dụng rất nhiều thuật ngữ để chỉ độ phân giải cho các thiết bị khác nhau như ppi, dpi, lpi, megapixels v.v… Bài viết  này sẽ giúp các bạn hiểu rõ về độ phân giải nhằm có được những  hình ảnh có dung lượng nhỏ nhưng có chất lượng cao. Ta hãy bắt đầu với những khái niệm có bản nhất về độ phân giải.

Hiểu rõ về kích thước của điểm ảnh

Mỗi hình ảnh mà bạn nhìn thấy trên màn hình được tạo thành từ một lưới các điểm vuông có màu sắc khác nhau, các điểm vuông đó được gọi là điểm ảnh (picture element- pixel). Nếu kính hiển vi có thước đo, bạn có thể biết được kích thước của từng điểm ảnh (hình 1). Độ phân giải đơn giản chỉ là một số đo cho biết độ lớn của 1 điểm ảnh được in ra, ví dụ điểm ảnh màu đen trong hình 2 có độ rộng là 0.0768 inch. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không thích độ phân giải được tính bằng số thập phân vì rất khó hình dung vì vậy người ta đo xem có bao nhiêu điểm ảnh trong 1 inch. Hình 2 cho thấy có 13 điểm ảnh trên 1 inch (13 pixels per inch) hay 13 ppi. Điểm ảnh càng nhỏ thì càng có nhiều điểm ảnh trên 1 inch, như vậy thông số ppi của ảnh càng cao thì điểm ảnh càng nhỏ (hình 3). Như vậy độ phân giải chỉ đơn giản là kích thước của điểm ảnh được in ra và nó được đo bằng ppi.

Hình 1. Điểm ảnh màu đen có kích thước 0.0769 inches.

Hình 2. Có 13 điểm ảnh trong 1 inch.

Hình 3. Từ trái sang phải các hình có độ phân giải lần lượt là: 30 ppi, 100 ppi, 200 ppi.

Hãy xem độ phân giải tác động như thế nào đến hình ảnh. Ví dụ bạn có một ảnh có kích thước 4 x 6 inch, độ phân giải 300 ppi. Với thông số  như vậy bạn có thể tính ngay được ảnh có bao nhiêu điểm ảnh theo chiều dọc và bao nhiêu điểm ảnh theo chiều ngang bằng cách nhân lần lượt chiều rộng và chiều dài ảnh với 300. Kết quả là 1200 x 1800 ở độ phân giải 300ppi (hình 4). Như vậy 1200 x 1800  ở độ phận giải 300 ppi tương đương với 4 x  6 inch (1200/300 = 4, 1800/300 = 6). Đây chính là 2 cách thể hiện độ phân giải trong Photoshop.

Hình 4.

Hình 5. Hộp thoại  Image Size trong Photoshop.

Máy in

Bây giờ, các bạn hãy xem độ phân giải tác động như thế nào đến máy in. Các bạn có thể sử dụng rất nhiều loại máy in như máy in phun, máy in laser, máy in công nghiệp… Tuy nhiên hầu hết các loại máy in đều không thể tái tạo một cách chính xác những gì bạn nhìn thấy trên màn  hình. Chúng tái tạo lại hình ảnh bằng cách sử dụng 4 màu cơ bản. Hình 5, hình 6 và hình 7 lần lượt cho thấy cách tái tạo cùng một hình ảnh ở máy in ruy băng (dye-sub), máy in phun và máy in laser. So sách các hình trên, các bạn nhận thấy rằng máy in ruy băng tái tạo chi tiết tốt nhất, máy in laser tái tạo chi tiết kém nhất. Như vậy, mỗi loại máy in cũng như phương pháp in sẽ tái tạo lại hình ảnh với cách thức khác nhau, chất lượng khác nhau và độ phân giải khác nhau.

Hình 5: Hình in trên máy in ruy băng Hình 6: Hình in trên máy in phun.
Hình 7: Hình in trên máy in laser

Độ phân giải và ảnh nét (Line Art)

Khi ảnh chỉ có 2 màu trắng và đen thì được gọi là ảnh nét (line art). Với loại ảnh này, để xác định đúng độ phân giải khi quét, bạn chỉ cần xem độ phân giải của máy in là bao nhiêu và điền chính xác vào máy quét. Ví dụ, máy in laser của bạn có độ phân giải là 600dpi, khi quét ảnh line art cho máy in này, bạn chọn độ phân giải quét là 600; nếu máy xuất phim hay ghi bản có đọ phân giải 2400 dpi thì bạn cũng phải chọn độ phân giải quét là 2400 dpi. Với thông số như vậy, các điểm ảnh tạo nên ảnh sẽ có kích thước bằng với những hạt tram do máy in tạo ra khi in. Để có thông số về độ phân giải máy in của mình, các bạn có thể xem trong sách hướng dẫn sử dụng máy in hoặc máy xuất phim.

Độ phận giải và ảnh trắng đen Grayscale hay ảnh màu

Khi ảnh có không chỉ có các điểm ảnh đen, thì độ phân giải ảnh không còn tỉ lệ 1:1 với độ phân giải máy in. Ví dụ, ảnh grayscale của bạn có thể có đến 256 mức độ xám. Nhưng khi bạn in nó, hầu hết các máy in đều sử dụng các hạt tram màu đen để tái tạo lại các mức độ xám, vì vậy kết quả phục chế thường không chính xác. Cũng tương tự như vậy đối với ảnh màu, máy in sẽ sử dụng các hạt tram màu cyan, magenta, yellow và đen để tái tạo lại hàng triệu màu sắc khác nhau của ảnh gốc. Hãy xem các loại máy in khác nhau tái tạo lại ảnh như thế nào và độ phận giải ảnh đúng đối với mỗi máy in khác nhau.

Máy in phun mực

Hãy xem một máy in phun tái tạo lại các mức độ xám như thế nào (hình 8). Hầu hết các loại máy in phun đều sử dụng các hạt tram có kích thước cố định và điều chỉnh chúng gần hoặc xa nhau để tạo nên sắc độ. Các hạt tram càng xa nhau thì chúng ta sẽ có cảm giác màu nhạt, ngược lại các hạt tram càng gần nhau thì chúng ta sẽ có cảm giác màu đậm. Vì các hạt tram rất nhỏ nên chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Tương tự như vậy khi chúng ta in ảnh màu. Hầu hết các máy in phun đều có 4 hộp mực (một số máy có 7 hộp mực : 1 vàng,  2 màu cyan, 2 màu magenta, 2 màu đen với sắc độ khác nhau). Như vậy, ảnh màu sẽ được tái tạo lại bằng các hạt tram với 4 màu khác nhau cyan, magenta, yellow và đen thay vì 1 màu đen.

Hình 8: Máy in phun mực sử dụng những điểm in nhỏ để phục chế nên các mức độ xám

Đối với hầu hết các máy in phun, ảnh của các bạn sẽ có chất lượng rất tốt nếu có độ phân giải từ 240 đến 360ppi. Nếu độ phân giải cao hơn 360ppi thì chất lượng in ra cũng tương tự như 360 ppi, bạn có thể sử dụng kính lúp để kiểm tra. Nếu máy in phun của bạn có độ phân giải in 720 hoặc nhỏ hơn hay in bằng giấy có độ bóng thấp hãy dùng ảnh có độ phân giải 240ppi. Nếu máy in phun của bạn mới, có độ phân giải in cao và in trên giấy có độ láng cao, bạn nên dùng ảnh có độ phân giải 360ppi. Độ phân giải từ 240 đến 360ppi là độ phân cho chất lượng tốt nhất, tuỳ theo máy in, hình ảnh, chất liệu in cụ thể mà bạn có thể xác lập độ phân giải ảnh cho kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý rằng ảnh càng có độ phân giải thấp thì dung lượng càng thấp và in càng nhanh.

Máy in Laser/Máy in  … – Laser Printer/Printing Press

Máy in laser dùng phương pháp khác với máy in phun để tái tạo mức độ xám. Hầu hết các máy in laser đều không thể tạo ra ảnh có chất lượng trung thực như máy in phun là vì chúng sử dụng hạt mực có độ trong suốt thấp. Nhược điểm này sẽ dần dần được khắc phục ở máy in offset. Nếu nhìn thật gần một ảnh grayscale trên báo, bạn sẽ thấy ảnh được tạo thành từ những hạt tram tròn, màu đen rất nhỏ. Khi in một ảnh bằng máy in laser, bạn có thể xác lập thông số điều chỉnh độ lớn hạt tram. Dùng thước để đo xem có bao nhiêu hạt tram trên 1 inch (hình 10). Trong hình 10 có 5 hạt tram tròn trên 1 inch. Tuy nhiên máy in có thể tạo ra các hạt tram có hình dạng khác nhau như hình tròn, vuông, ô van, kim cương … Người ta gọi phương pháp phục chế bằng máy in laser là phương pháp tái tạo tầng thứ trên cơ sở biến đổi diện tích điểm tram. Theo dòng lịch sử, từ xa xưa khi còn sử dụng tram kính để biến đổi diện tích các điểm tram, người ta dùng đơn vị số đường trên một inch (theo 1 chiều) để nói lên ý nghĩa số điểm ảnh trong 1 inch. Vì vậy, chúng ta gọi thông số trên là số đường trên 1 inch (line per inch- lpi), tức là số hạt tram (bất kể hình dạng nào của hạt tram) trên 1 inch. Do mắt người không thể phân biệt được các hạt tram rất nhỏ nên chúng đã tái tạo được ảnh grayscale với những sắc độ khác nhau.

Hình 9: Giả lập sắc độ xám bằng sự thay đổi kích thước các điểm tram

Hình 10: Có 5 điểm tram trong 1 inch và các ảnh được phục chế với độ phân giải này nhưng với các hạt tram có hình dạng khác nhau.

Đối với ảnh màu, phương pháp tái tạo ảnh cũng tương tự như trên, chỉ khác là thay vì chỉ in 1 màu đen thì in 4 màu cyan, magenta, yellow và đen (hình 11). Thông số lpi được xác lập khi bạn dùng lệnh in ở các phần mềm đồ hoạ như Adobe Photoshop, Adobe Indesign, QuarkXPress…hoặc trên giao diện các Rip

Hình 11. Ảnh in 4 màu

Tuỳ theo loại ấn phẩm, chất lượng in và loại vật liệu in mà thông số về độ phân giải tram (lpi) được xác lập tương ứng. Ví dụ như báo được in bằng giấy có chất lượng kém, bề mặt không nhẵn nên máy in khó có thể in được những hạt tram có kích thước nhỏ. Vì vậy, thông số lpi cần được xác lập cho phù hợp. Bảng dưới đây liệt kê những thông số độ phân giải tram (lpi) thông dụng nhất cho các dạng ấn phẩm và máy in khác nhau:

Độ phân giải tram (LPI ) Mục đích in
85 In quảng trên giấy in báo loại không tốt
100 In trên giấy in báo loại tốt
133 In trên các loại giấy ford
150 In các loại tờ gấp và brochure thông thường
175 In các loại lịch hay brochure cao cấp
53 In trên máy in laser có độ phân giải 300dpi
106 In trên máy in laser có độ phân giải 600dpi
212 In trên máy in laser có độ phân giải 1,200dpi

Để xác định độ phân giải tốt nhất cho ảnh, nhân độ phân giải tram (được xác định tuỳ theo ấn phẩm cụ thể) với 1.5 nếu bạn muốn ảnh được tái tạo với đầy đủ chi tiết hoặc nhân với 2 nếu bạn muốn ảnh có chất lượng hoàn hảo hơn. Ví dụ: Anh trên báo thường được in với độ phân giải 85 lpi, để hình ảnh mịn màng hơn, chúng ta xác lập độ phân giải cho ảnh khi quét là 85 x 2 = 170 ppi. Trong trường hợp này, nếu chúng ta quét ảnh với độ phân giải lớn hơn thì ảnh được tái tạo có chất lượng không tốt hơn vì ở 85 lpi máy in không thể tái tạo tốt hơn nữa. Ngược lại, nếu chúng ta quét ảnh với độ phân giải nhỏ hơn, thì những hạt tram sẽ lớn, ảnh in ra sẽ không mịn.

Các bạn có thể dùng hộp thoại Image Size trong Photoshop để tính toán nhanh độ phân giải. Với hình đang mở, chọn lệnh Image > Image Size, nhấp vào tuỳ chọn Auto. Xác định độ phân giải tram, chọn Good nếu bạn muốn ảnh có độ phân giải là 1.5 nhân với độ phân giải tram, chọn Best nếu bạn muốn ảnh có độ phân giải là 2 nhân với độ phân giải tram. Nhấn OK để xem kết quả.

Máy in ruy băng

Thay vì sử dụng hạt tram bằng 4 màu cơ bản cyan, magenta, yellow và đen như là máy in phun hay laser. Máy in ruy băng có thể tạo ra những điểm ảnh có sắc độ xám và tông độ màu khác nhau. Với loại máy in này, các bạn cần xác định xem điểm ảnh nhỏ nhất mà nó có khả năng tạo ra. Đó chính là độ phân giải của máy in ruy băng. Ví dụ, máy in ruy băng của bạn có độ phân giải là 314 dpi thì độ phân giải ảnh sẽ là 314ppi. Bạn có thể xác lập độ phân giải ảnh nhỏ hơn nhưng chất lượng sẽ giảm, bù lại khi dung lượng ảnh sẽ nhỏ hơn, thời gian in sẽ nhanh hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang