MÀU VÀ IN MÀU (PHẦN 4: SAI MÀU DO KHÂU IN)

Sai màu trong quá trình in được chia thành 2 loại: sai so với mẫu và sai do tái bản không giống. Đối với trường hợp sai do không giống mẫu xin vui lòng đọc lại phần quản lí chất lượng đã đăng trong Facebook này. Ở đây, dưới góc độ một người thợ in tại công ty Huynh đệ Anh Khoa, ta sẽ bàn về việc sai màu giữa các lần in hoặc sai màu giữa tờ in vỗ bài và tờ in sản lượng.

Để không bị chi phối bởi các yếu tố khác, chúng ta giả định rằng quá trình chế bản luôn tạo ra các bản in giống hệt nhau trong các lần in. Khi đó việc sai màu thường xảy ra do các nguyên nhân sau:

• Sử dụng loại mực khác với khi vỗ bài (hoặc in lần trước) hoặc mực của cùng hãng nhưng khác mẻ sản xuất. Việc này ít xảy ra nhưng cũng cần lưu ý QC phải kiểm tra mực (độ nhớt, đo màu Lab…) trước khi nhập kho. Sai số trong các mẻ sản xuất mực sẽ dẫn đến tổng hợp màu khác nhau đến Delta E ~ 1.5.

• Sử dụng loại giấy khác với khi vỗ bài (hoặc in lần trước). Khác biệt về màu xảy ra do sự kết hợp khác nhau giữa giấy và mực trên bề mặt của tờ in, ta thường thấy rõ việc này khi so bài in trên giấy tráng phủ và cũng bài in đó trên giấy không tráng phủ, giấy không tráng phủ hút mực vào bên trong giấy nhiều hơn tạo cảm giác tờ in bị xỉn màu và thiếu độ tương phản. Sai màu do mực kết hợp với các loại giấy couche khá lớn, Nếu thực nghiệm in cùng 1 loại mực trên 5 loại giấy couche ta sẽ thấy rõ điều này, đặc biệt là ở các bài in nhãn và bao bì có nhiều mảng tông đậm.

• Sử dụng thiết lập trên máy in không giống lần in trước: việc này xảy ra khi in trên một máy in khác nhưng không bù trừ gia tăng tầng thứ phù hợp, không in đúng thứ tự in chồng màu… Nếu in trên cùng 1 máy in, nhiều khả năng xảy ra không lưu được thiết lập bài in lần trước nên phải canh chỉnh lại từ đầu. Tất cả các yếu tố trên đều đưa đặc tính của máy in và thiết lập máy in vào bài in dẫn đến sai màu.

• Tờ in dùng để canh bài được chọn khi cân bằng mực nước chưa ổn định. Do không có một tham chiếu rõ ràng từ đầu nên thông thường nhà in sẽ rơi vào hoàn cảnh: sau một thời gian chỉnh sửa tới lui người coi bài sẽ lấy ra 1 tờ mà họ ưng ý nhất để kí với giả định rằng “nhà in đã từng in ra được tờ này thì lúc nào họ phải in được như thế!”. Thật Không may cho nhà in nếu tờ in mà khách hàng lấy ra khi cân bằng mực nước chưa ổn định! Cũng có trường hợp thợ in chiều theo ý khách hàng đã ép mực lên tối đa để có tờ kí bài vừa ý nhưng anh ta lại không thể giữ được trạng thái như thế khi in sản lượng vì máy in cũng phải tìm cách cân bằng chứ không thể giữ mãi tình trạng đó, hoặc để giữ được tình trạng đó thợ in phải tăng nước lên đến mức anh ta cũng không thể in được.

• Các biến đổi do không cân chỉnh được các điều kiện in. Việc này thường xảy ra khi thợ in không cân chỉnh các phím mực hàng tuần, khi đó các phím mực sẽ mở không đúng theo thông số CIP 3 hoặc luôn mở sẵn theo một mức không kiểm soát được khiến cho việc chỉnh mực không còn tác dụng.

Ngoài ra còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như ổn định độ lưu biến của mực in (Viscosity) tấm cao su, dung dịch làm ẩm, nhiệt độ môi trường….(chúng ta sẽ có bài viết riêng cho các yếu tố này).

TÓM LẠI NHÀ IN VÀ KHÁCH HÀNG CẦN CÓ MỘT THAM CHIẾU CHUẨN (TỜ IN THỬ ĐẠT CHUẨN) ĐỂ CÙNG THỐNG NHẤT VÀ NHÀ IN PHẢI CÓ MỘT QUI TRÌNH QUẢN LÍ ĐỂ LUÔN IN GIỐNG TỜ IN THỬ. PSO VÀ ISO 12647 -2/7 CÓ THỂ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC CÁC NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN SAI MÀU NÊU TRÊN.

ĐỪNG BAO GIỜ NGHĨ ĐẾN VIỆC CHỈNH MÀU TRÊN MÁY IN VÌ CHỈNH THÌ DỄ MÀ GIỮ THÌ MỚI KHÓ, NẾU MUỐN CHỈNH MÀU TẠI SAO KHÔNG THỰC HIỆN Ở CÔNG ĐOẠN THIẾT KẾ HAY CHẾ BẢN? (Xin xem tiếp những phần sau để hiểu rõ hơn).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang