NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ ISO 12647

Trong những bài trước chúng tôi đã chia sẻ với các Bạn các quan điểm về chất lượng, cách thực hiện ISO và sự cần thiết của nó trong nhà in. Tuy nhiên vẫn có nhiều bạn chưa có thời gian để tìm hiểu hay chưa qua thực tiễn nên chưa nắm hết các ngóc ngách của nó.

Bài viết này sẽ trao đổi và chia sẻ thêm một số thông tin để tránh các ngộ nhận về ISO 12647.

1. ISO 12647 không phải là một công cụ để tiếp thị hay để lấy tiếng vì thực hiện điều này rất nguy hiểm cho nhà in. Nó không những gây phiền hà, tốn kém mà còn làm cho cả nhà máy rối tung lên. Chúng ta chỉ lấy chứng chỉ khi:
– Khách hàng yêu cầu phải có.
– Công ty đã phát triển về kỹ thuật và văn hoá đến mức có thể thực hiện ISO 12647 nhằm tiết kiệm nguyên vật liệu.
– Có cơ sở để tranh luận với các khách hàng quốc tế về tiến trình in và chất lượng in.

2. Có 2 loại chứng chỉ ISO 12647:
– Loại thứ 1: Công ty tự thực hiện mọi công đoạn từ (1) chuẩn hoá nguyên vật liệu, (2) canh chỉnh hệ thống chế bản CTP, (3) chuẩn hoá qui trình làm và kiểm tra file, (4) canh chỉnh máy in về trạng thái chuẩn, (5) chạy kiểm tra khả năng in của máy, (6) chạy và canh chỉnh cân bằng xám, (7) chạy và cân chỉnh gia tăng tầng thứ… , chạy bài kiểm tra cuối cùng theo yêu cầu của Fogra. Qui trình này được kỹ sư của công ty thực hiện dưới sự giám sát của một chuyên gia Fogra. Tất cả các tờ in sau đó được chuyên gia này niêm phong gởi qua Viện Fogra. Tại Fogra, 2 chuyên gia sẽ đo toàn bộ các tờ in độc lập với nhau, nếu kết quả đều đạt thì sẽ báo cáo lên trên để tiến hành kiểm tra tiếp theo và cấp chứng chỉ. Đây là một quá trình phức tạp yêu cầu nhà in phải có chuyên gia giỏi, có đủ thiết bị đo (tối thiểu phải chi 1 tỷ) và tự làm hết mọi việc dưới sự giám sát. Xin lưu ý là chúng ta không nên mua máy đo cũ vì máy đo sau 5 năm sử dụng thường không còn chính xác nữa. Mặt khác các chuyên gia Fogra luôn yêu cầu máy đo còn trong hạn kiểm định hàng năm.

– Loại thứ 2: Hãng bán máy in cử chuyên gia đến canh chỉnh máy, các chuyên gia này tiến hành chạy bài in sau đó đưa kết quả về cơ quan có chức năng để kiểm tra và cấp chứng chỉ.

Như vậy ở dạng chứng chỉ thứ 1 thì lúc nào nhà in cũng có thể canh chỉnh để lấy lại tình trạng ISO còn ở dạng thứ 2 thì chỉ xác nhận “Thiết bị này đã từng đạt ISO với việc canh chỉnh vận hành của chuyên gia”.

3. Fogra là cơ quan uy tín nhất và khắt khe nhất khi kiểm định và cấp ISO 12647. Ngoài Fogra còn có nhiều tổ chức được quyền đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ISO 12647 như Heidelberg, một số tổ chức khác ở Singapore, Hồng Kong … nhưng dù ai cấp đi nữa cũng phải theo chuẩn thế giới.

4. PSO (Process Standard Offset) là chứng chỉ đảm bảo cho các tiêu chuẩn ISO 12647 được thực thi đầy đủ tại một công ty. Nó bao gồm việc kiểm tra các quy trình, các điều kiện chiếu sáng, các định dạng và qui trình chế bản file, sử dụng Enfocus Pitstop đúng cách để đảm bảo file PDF-X đạt chuẩn, đủ thiết bị để đo và kiểm tra mọi thứ trong nhà in … và rất nhiều thứ khác.

5. PSO do Fogra cấp. Có PSO đương nhiên có ISO 12647 nhưng có ISO 12647 chưa chắc có PSO.

6. Tỉ lệ các chuyên gia tư vấn thành công chứng chỉ ISO 12647 là 50%. Cần lưu ý kỹ lưỡng khi chọn chuyên gia tư vấn vì có nhiều người tuy có chứng chỉ nhưng không có khả năng tư vấn vì họ chưa có kinh nghiệm ngành in hay trải nghiệm thực hiện trong điều kiện Việt Nam.

Ví dụ 1: Anh A hay chị B có chứng chỉ tu vấn ISO 12647 hay gì đó nhưng Anh Chị này lại không biết cách canh máy in để nó đạt điều kiện in chuẩn, không biết cách xử lí bài in cho đạt chuẩn hay không biết cách phối hợp với thợ in và chế bản để xử lí các sự cố trong quá trình chế bản hay in thì “cứ đứng một chỗ mà kêu trời”

Ví dụ 2: Anh A hay chị B luôn yêu cầu nhà in là phải mua máy mới 100%, phải sử dụng giấy in đạt ISO như loại giấy Art Paper của hãng Mitsubishi, mua mực đạt ISO … với giá trên trời thì 2 Anh Chị này thế nào cũng xung đột nhà In và bỏ về hoặc bị nhà in huỷ hợp đồng.

Nói chung chuyên gia tư vấn phải giỏi nghề, đã từng bị nghề vùi dập và còn đứng lên được thì mới có thể hỗ trợ nhà in. Ngoài ra, nếu không phối hợp được với thợ tại nhà máy, không làm cho thợ kính phục để chấp hành mệnh lệnh thì đó chỉ là LÝ THUYẾT GIA.

7. Khác với các loại chứng chỉ khác, ISO 12647 đòi hỏi nhà in phải có sự đầu tư nghiêm túc về nhà xưởng, thiết bị in, thiết bị đo và con người. Nó không phải là các qui trình hay những thứ mà người ta có thể thực hiện hình thức như ISO 9001 – 201x mà nó là chuẩn kỹ thuật thể hiện qua các giá trị đo đạc cụ thể trên toàn bộ tờ in. Các dữ liệu đo phải phản ảnh sự ổn định và chính xác của quá trình in. Nói chung lấy ISO 12647 là một kì thi hết sức cam go và phức tạp.

Công ty Huynh đệ Anh Khoa có 2 chuyên gia được Fogra đào tạo và đã tự thực hiện thành công ISO 12647 tại công ty trong năm 2016. Đây là quãng thời gian vô cùng vất vả nhưng chúng tôi đã học được rất nhiều. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với quí vị đồng nghiệp.

Xem hình minh hoạ:
Báo cáo của Fogara về điều kiện chiếu sáng tại
xưởng in công ty Anh Khoa đạt các yêu cầu theo ISO 3664.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang